REVIEW: LOA B&O BEOPLAY A9 MK4 BÀY ĐÂU CŨNG ĐẸP 

Chắc hẳn chúng ta đã không còn xa lạ gì nữa với cái tên Bang & Olufsen. Nhà sản xuất loa đến từ Đan Mạch này đã làm nên tên tuổi trong giới điêu nghệ với những sản phẩm có thiết kế tuyệt đẹp cũng như chất lượng âm thanh nổi bật.

Bang & Olufsen ra mắt dòng BeoPlay A9 đầu tiên vào năm 2012 với mục đích làm chiếc loa bluetooth không dây phục vụ nhu cầu giải trí gia đình đồng thời cũng làm 1 món đồ nội thất trong nhà. Năm 2019, hãng đã cho ra bản nâng cấp thứ 4 với tính năng điều khiển giọng nói bằng Google Assistant và hỗ trợ AirPlay 2. Hãy cùng TecHland khám phá trải nghiệm siêu phẩm mới nhất này. 

1. Thiết kế 

Lần đầu tiên nhìn vào chiếc loa này mình đã thốt lên 3 từ, đó là “Ôi đẹp thế”. Đẹp từ thiết kế đến chất lượng hoàn thiện, chỉ cần liếc qua nó thôi là các bạn có thể thấy rõ được sự chăm chút tỉ mỉ mà B&O đã dành ra cho thiết kế của chiếc BeoPlay A9. Từ sự lựa chọn vật liệu cao cấp như chân gỗ được làm bằng cây óc chó, đến vải bọc làm từ len và sợi vitco, được thiết kế dành riêng cho chiếc loa này bởi công ty Kvadrat để đảm bảo chất lượng dẫn âm tốt nhất. Tất cả mọi chi tiết đều được gia công một cách rất chu đáo. 

Về thiết kế tổng quan thì ngoại hình của chiếc Beoplay A9 MK4  khá giống cái đĩa bay. Với buồng âm là một hình tròn tuyệt đối, được hỗ trợ bởi 3 chân gỗ, có thể tháo ra được để treo chiếc loa lên tường. Mặc dù sở hữu một thiết kế Avant-garde rất đơn giản, không có quá nhiều chi tiết cầu kỳ nhưng chiếc loa này vẫn thu hút được mọi ánh nhìn. Cái từ miêu tả chính xác nhất vẻ đẹp của chiếc loa này là “pièce de résistanc”. Dịch nôn na ra là chiếc BeoPlay A9 này đặt ở đâu cũng thành một điểm nhấn vì thiết kế nổi bật nhưng lại khá ăn nhập với nội thất xung quanh.

2. Phần Cứng

Chiếc Beoplay A9 MK4 được trang bị tổng cộng là 7 driver loa: 1 woofer có đường kính 20cm, 2 driver dành cho dải midrange có đường kính 7,6cm, 2 driver đường kính 4cm cho tất cả dải âm và 2 driver tweeter có đường kính 2cm. Thêm vào đó là 1 amply class D có công suất 400W cho dải bass, 2 amply 200W cho tất cả dải midrange, 2 amply 200W cho dải tất cả dải âm và 2 amply 150W cho dải treble. 

Dưới đây là những thông số kỹ thuật của chiếc Bang & Olufsen Beoplay A9 MK4: 

– Dải tần số: 33 đến 23,000 Hz

– Hoạt động theo nguyên tắc loa Bass-Reflex

– Kết nốt không dây: Bluetooth 4.2; WLAN – 802.11b/g/n/ac (2.4GHz & 5GHz); Chromecast built-in, Airplay 2, DLNA 

– Kết nối có dây: 1 x Line-in / Optica combi-jack, 1 x Ethernet

– Điện áp: 220V 

– Kích thước và trọng lượng: 70.1 x 90.8 x 41.5 cm, 14.7kg (có chân) 70.1 x 21.3 cm x 41.5 14 kg (không chân) 

– Tùy chọn chân gỗ sồi hoặc gỗ óc chó 

3. Tính năng thông minh

Ngoài việc trang bị phần cứng chất lượng cao, chiếc Beoplay A9 cũng có rất nhiều tính năng thông minh để giúp nó trở thành một smart speaker rất hấp dẫn. 

Năm nay trên chiếc Beoplay A9 MK4, Bang & Olufsen đã bổ sung thêm tính năng trợ lý ảo Google Assistant. Điều này khiến cho chiếc Beoplay A9 tương thích với hệ sinh thái smart home của Google và sẽ thừa hưởng hết những tính năng smart home. Các bạn còn có thể “triệu hồi” chiếc loa này bằng câu lệnh “Hey Google”, mình thấy khá ấn tượng với khả năng nghe câu lệnh của chiếc loa này, vì kể cả khi mình bật nhạc rất to, chiếc loa vẫn có thể nghe được giọng nói của mình. 

Một trong những tính năng tiên tiến nhất của chiếc loa này đó chính là chiếc Beoplay A9 MK 4 có thể tự điều chỉnh âm thanh theo phòng nghe, để đảm bảo cho âm thanh ổn định nhất dù đặt ở bất kỳ vị trí nào. Chiếc loa có được tính năng này là do Bang & Olufsen đã trang bị cho nó mic có thể nghe được tiếng vang, từ đó nó sẽ phân tích âm hình và điều chỉnh âm thanh thế nào cho hay nhất.

Việc kết nối với Beoplay A9 chưa bao giờ dễ hơn vì chiếc loa hỗ trợ rất nhiều chuẩn kết nối. Đối với những bạn dùng iPhone thì việc kết nối chỉ mất 10 giây qua Airplay 2. Còn những bạn sử dụng Android thì các bước kết nối cũng sẽ đơn giản như bao loa bluetooth khác. Hoặc cách kết nối đơn giản và chay nhất đó là bạn cắm thẳng jack tai nghe 3.5mm vào loa. Hơn nữa, chiếc loa này còn có cả ổ cắm Optical để có thể cắm thẳng vào TV, không cần setup dài dòng. Thêm vào đó, chiếc Beoplay A9 còn hỗ trợ cả ChromeCast và kết nối nhiều loa với nhau (multi-room audio) sẽ cho bạn cảm giác trải nghiệm nghe nhìn dễ dàng và tuyệt đỉnh nhất. 

Các bạn cũng có thể kết nối và điều khiển chiếc loa này qua App B&O trên điện thoại. Hãng thiết kế App rất đẹp và ổn định, chia sẻ ngôn ngữ thiết kế tối giản xuyên suốt dòng sản phẩm của B&O. Thường thì mình thấy việc có App để điều khiển loa là điều không quá mới nhưng hiếm có hãng nào chăm chút tỉ mỉ đến giao diện người dùng như B&O, các App của hãng khác giao diện rất khó hiểu và rối rắm, riêng của B&O thì vào phát là biết ngay phải làm gì. Việc kết nối qua app cũng rất nhanh, gọn, nhẹ. Mình chỉ cần tìm sản phẩm mình muốn kết nối xong đứng cạnh loa rồi bấm vào thôi, nó sẽ tự kết nối trong vài giây.

Bang and Olufsen cũng đã nghĩ đến cách tương tác không nút để cho người dùng có được trải nghiệm mượt mà nhất. Chỉ có mỗi 2 nút nhỏ xíu được đậy nắp che đằng sau loa, còn lại các bạn tương tác với chiếc loa như sau: Vuốt tay trên đỉnh để tăng giảm âm lượng. Đặt tay lên cảm biến trên cùng trong vài giây để tắt âm thanh. Nhấn vào bên phải để phát bản nhạc tiếp theo và bên trái để phát bản nhạc trước đó. Chạm ngắn vào trung tâm để bắt đầu nguồn âm thanh phát cuối cùng.

4. Trải nghiệm âm thanh 

Như tất cả dòng loa của B&O, chiếc Beoplay A9 cho ra một chất âm rất sạch sẽ, chi tiết và sang trọng. Trong quá trình trải nghiệm thì mình đánh giá rằng âm bass rất mạnh mẽ, gọn gàng, không bị lấn át những âm khác và vẫn giữ được rất nhiều chi tiết, nó dừng lại ở mức vừa đủ chứ không bị quá như những chiếc loa khác. Mình đã thử âm bass với bài “You don’t know me” với giọng ca nữ Maria Manna, đoạn đầu của bài này là 1 phần solo đàn double bass rất phức tạp, chiếc A9 không những cho ra tiếng bass rất sâu và ấm, nó còn giữ lại chi tiết tiếng bật dây khi nhạc sĩ thả tay ra khỏi nốt. Điều này thực sự làm mình choáng ngợp, vì mình chưa nghe chiếc loa nào cho ra được cái tiếng này cả. 

Với âm trung thì mình nhận thấy rằng chiếc Beoplay A9 MK4 cho ra một chất âm rất ấm áp, hài hòa, được tách biệt khá rõ ràng với âm bass và treb. Mình đặc biệt thích cách chiếc loa này thể hiện dải mid của giọng ca Chris Stapleston trong bài “Tennessee Whiskey”. Không phải chiếc loa nào cũng có thể truyền tải được chất giọng khàn, trầm ấm và rất giàu tình cảm của nam ca sĩ country này. Thêm vào đó là tiếng đàn bass điện êm ấm làm nền cho giọng ca và guitar điện tạo nên một trải nghiệm đầy nhạc tính rất khó quên.

Âm treble của chiếc Beoplay A9 MK4 này rất thanh, mảnh, không bị quá gắt gỏng gây khó chịu cho người nghe. Với âm treb thì mình đã nghe thử 2 bài, “Gravity” của John Mayer và “Can’t say goodbye to yesterday” của Donna Burke. Với bài “Gravity” thì âm cao ở đây là tiếng đàn guitar điện cao ngất ngưởng, mình chọn bài này để thử vì phong cách chơi guitar của John Mayer rất đặc biệt, ca sĩ này sử dụng những nốt rất cao và rất nhiều kỹ thuật luyến dây trên guitar điện nhưng lại sử dụng amply cổ điển khiến cho tiếng đàn bị nhiễu. Cách chiếc loa này thể hiện tiếng nhiễu đó rất vừa phải và chi tiết, tạo nên một âm sắc rất riêng biệt. Những nốt luyến cũng được thể hiện rất tuyệt vời, mình có thể nghe rõ những âm luyến từ những lần uốn dây điêu luyện.  Bài “Can’t say goodbye to yesterday” là một bài jazz khá tiêu chuẩn với giọng nữ chính cao nhưng rất mạnh mẽ trên tiếng đàn double bass và kèn saxophone. Chiếc Beoplay A9 MK4 thể hiện bài này một cách đáng kinh ngạc. Những nốt cao không bị gắt với nhiễu gây khó chịu, mình vẫn có thể nghe được chất giọng ấm áp của ca sĩ và chi tiết âm thanh lấy hơi và tiếng giọng gió vừa đủ, không gây mất chú ý. Thêm vào đó là tiếng kèn saxophone kết hợp hài hòa với giọng ca nữ, tạo nên cảm giác rất thư thái.

Ngoài 3 âm này ra thì mình cũng thử sound stage (sân khấu âm nhạc) của chiếc BeoPlay A9 Mk4 này bằng bài chắc ai cũng biết: “Hotel California” phiên bản live của ban nhạc The Eagles. Mặc dù các driver âm thanh được đặt gần nhau, nhưng mình cảm nhận được sự tách biệt rõ rệt của những dải âm. Mình nghe được rõ tiếng trống nằm phía sau 4 cái guitar, tiếng của từng chiếc guitar cũng được tách ra riêng biệt rồi tiếng khán giả ở phía sau cũng rất rõ ràng, cho ra một trải nghiệm đắm chìm trong bản nhạc live. 

Mình nghĩ rằng với chất âm bass sạch sẽ, chi tiết; âm trung ấm áp, hài hòa; âm treble thanh, mảnh và sự tách biệt rõ rệt của những dải âm. Sẽ đem đến cho các bạn một trải nghiệm thoải mái và thư thái. Mình có thể nghe cả ngày mà không thấy mệt, thực sự chiếc loa này chơi nhạc nền cho lúc bạn đang làm việc hoặc học bài thì sướng vô cùng. Chất âm của chiếc BeoPlay A9 MK4 này phù hợp với dòng nhạc đòi hỏi nhiều chi tiết, độ tinh tế, tiết chế như jazz, giao hưởng,… 

5. Điểm yếu ? 

Bên trên mình đã nói ra rất nhiều điểm mạnh của chiếc Beoplay A9 và dường như chiếc loa này quá hoàn hảo rồi, vậy nó có điểm yếu không? Thực ra điểm yếu duy nhất mình có thể nghĩ được là cái giá của chiếc loa này. Nhưng mình nghĩ rằng đắt xắt ra miếng. Với cái giá đó thì bạn nhận được chất lượng hoàn thiện đạt đến ngưỡng hoàn hảo, sự chăm chút tỉ mỉ của các kỹ sư B&O từ thiết kế tổng thể cho đến những chi tiết nhỏ nhất như cái móc dây để các bạn có thể đi dây dễ hơn rồi đến trải nghiệm người dùng dễ dàng và đơn giản. Hơn nữa là một chuẩn mực âm thanh cao cấp như một chiếc loa tham chiếu. Khi so sánh với các đối thủ cùng tầm giá thì chiếc Beoplay A9 nổi bật hơn tất cả các loa khác với tính năng smart speaker của mình, là một trong số hiếm chiếc loa cao cấp tích hợp trở lý ảo của Google. Các bạn có thể mua được một dàn loa với giá của 1 chiếc A9, nhưng thứ các bạn không mua được, đó chính là những tính năng thông minh độc quyền của B&O và sự tiện lợi chiếc loa này đem đến. 

>>> Liên hệ trực tiếp với TecHland để nhận ưu đãi đặc biệt áp dụng cho mẫu loa Beoplay A9 MK4

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

02438524524